Rảo cản của sự kiến tạo

5 phút đọc

Bài viết này giả thiết rằng có sự tồn tại của các thế giới, và theo đó là sự tồn tại của một đấng sáng thế nào đó đã tạo ra vũ trụ của chúng ta. Với một góc nhìn khác, chúng ta có thể nhận ra những điểm chung của sự sáng thế và các thế giới xung quanh. Khái niệm “rào cản của sự kiến tạo” đã phân chia các thế giới và tạo ra một mô hình thật đẹp.

Khái niệm đa thế giới rất phổ biến. Kinh thánh cho rằng Chúa trời ở Thiên đường và ngài tạo ra toàn bộ vũ trụ vật chất. Phật giáo cho rằng các vị Phật thánh cũng cư ngụ tại nhiều thế giới khác nhau. Vật lý hiện đại cho rằng số lượng các vũ trụ là vô tận. Các câu chuyện thần thoại thì rất nhiều. Chúng ta chưa ai biết được hình thù một thế giới khác là thế nào và mọi mô tả đều khá mơ hồ. Đặc biệt, các mô tả về thế giới khác thường dùng các hình ảnh gần gũi với chính thế giới của chúng ta, cụ thể là ở các thế giới như vậy thì cư dân thường có hình tướng như con người, hoặc các cư dân cũng có cấp bậc chức vụ, hoặc có cuộc sống vật chất giống như chúng ta.

Tuy nhiên, nếu có những thế giới khác thì hình thái của chúng có thể rất khác với thế giới vật chất mà chúng ta biết.

Bắt đầu từ quan điểm của phái sáng thế (creationism) cho rằng Chúa trời đã tạo ra con người với một mục đích nào đó, chúng ta có Thiên đường và Thế giới vật chất. Loài người chúng ta, ở một mức độ tiếp theo, đã và đang kiến tạo ra một thế giới khác - thế giới của máy móc và thông tin. Điểm thú vị là những sự kiến tạo này có nhiều điểm chung.

Một thế giới cần một nền tảng để đảm bảo sự tồn tại của các thực thể - Chúa tạo ra thế giới vật chất và đặt con người cùng các loài động thực vật vào đó. Con người tạo ra thế giới điện cơ, máy móc và đặt các phần mềm vào đó. Nền tảng ấy có thể gọi là thực tế (reality). Nếu ý thức là cái gì đó tách biệt so với vật chất thì ý thức cũng giống như các phần mềm. Phần mềm vô hình như ý thức trong khi phần cứng hiện hữu như vật chất. Phần mềm rất phong phú giống như ý thức của con người và muôn loài vậy.

Quy luật về sự vận động và tương tác giữa các thực thể - Con người có khả năng giao tiếp, hình thành các mô hình xã hội và cộng tác chặt chẽ với nhau để phát triển. Máy móc cũng liên hệ với nhau và các phần mềm thì trao đổi dữ liệu qua mạng. Giữa các phần mềm cũng có ngôn ngữ và các mô hình hệ thống phức tạp. Chúng ta đang tạo ra máy móc dựa trên thế giới của chúng ta, giống như Chúa trời tạo ra con người dựa trên hình ảnh của Chúa (Genesis 1:26).

Rào cản kiến tạo chia cách cách thế giới - Con người có niềm tin vào Chúa hoặc các vị thánh thần nhưng không có cách nào tương tác hoặc nhận thức sự tồn tại của cõi trên cả. Thế giới thần linh hoàn toàn là một sự mơ hồ và tồn tại trong niềm tin. Tương tự, các phần mềm dù thông minh đến đâu cũng không thể nào nhận thức được sự tồn tại của thế giới bên ngoài. Tất cả những gì thế giới máy móc nhận thức được hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của máy móc. Thế giới thần linh có thể dõi theo thế giới vật chất rất rõ nét, giống như loài người dõi theo máy móc vậy. Rào cản ấy có tính phát tỏa (emanationism) khiến cho luồng nhận thức chỉ có thể đi từ thế giới trên xuống thế giới thấp hơn mà không thể đi ngược lại.

Thế giới có mục đích - Chúa tạo ra loài người để sống vả quản lý Trái Đất, nhưng mục đích trước đó của Chúa khi tạo ra thế giới vật chất là gì thì không được đề cập. Nhưng nếu có, chắc chắn thế giới vật chất được tạo ra với mục đích nào đó (The Egg?). Con người tạo ra máy móc với mục đích rất rõ ràng là tăng sức lao động và tăng khả năng của con người, vì thế con người sẽ luôn chăm sóc cho thế giới máy móc với sự cộng tác đó.

Thuyết tiến hóa và thuyết hữu thần - Chúa tạo ra vũ trụ vật chất và sự tiến hóa là một quá trình tự nhiên trong sự sáng tạo đó. Tiến hóa là một công cụ của Chúa để phát triển thế giới. Chúng ta đang kiến tạo ra những hệ thống máy móc và hệ thống thông tin cực lớn, ở đó chính các phần mềm cũng liên tục được nâng cấp để tạo ra các phiên bản mới hơn. Nhiều phần mềm cũng tuyệt chủng theo thời gian. Các phần mềm đang tiến hóa theo cách của thế giới máy móc.

Tự do ý chí và các phần mềm lỗi - Con người có tốt có xấu, có người lành lặn và người kém may mắn. Phần mềm cũng có tốt và có xấu (như virus, malware). Phần mềm đang ở mức rất sơ khai nhưng dần dần có thể đưa ra các quyết định của riêng nó. Và giống như con người, phần mềm có thể sinh lỗi. Liệu mỗi cuộc đời chúng ta giống như một lần chạy phần mềm máy tính của Chúa hay không?

Sự kiến tạo ra các thế giới tiếp theo được thực hiện với quy tắc khá giống nhau và có nhiều điểm chung. Nếu quan sát rộng ra chúng ta sẽ thấy nhiều thế giới khác, đặc biệt là các thế giới được tạo ra bởi chính bàn tay con người. Ví dụ như thế giới của kiến thức nhân loại: nền tảng là sách vở và̀ chính bộ não con người, thực thể là các bài viết, công thức trong các chuyên ngành khác nhau, và những khối kiến thức ấy có giao tiếp, thay đổi, phát triển và duy trì sự tồn tại của chúng. Các thế giới giống như những lát cắt ngang dọc, phụ thuộc và đan xen, phức tạp và và đẹp lộng lẫy.