Tự nhận nhận thức hành vi

5 phút đọc

Hầu hết các hành vi hàng ngày của chúng ta diễn ra một cách tự động. Các thói quen, lịch trình, tác động và cách phản ứng khiến chúng ta không có sự nhận thức về những hành vi quen thuộc như lái xe hay đánh răng. Chúng ta dễ dàng quên đi sự tự động đó và bị điều khiển vào một biển những việc vô ích. Tự nhận thức hành vi (cấp độ 1) giúp chúng ta làm chủ hành động của bản nhân.

Vì sao những thú tiêu khiển xuất hiện

Có vô số những nỗi khổ mỗi ngày mà chúng ta có thể đón nhận

  • Về các mối quan hệ xung quanh
  • Cảm thấy cô đơn, cô lập hoặc không được lắng nghe
  • Không hiệu quả hoặc mất phương hướng trong công việc
  • Mất ngủ, ăn kém, mệt mỏi, hay ốm
  • Có vấn đề về sự nghiệp hoặc tài chính
  • Không chắc chắn về tương lai
  • Cơ thể đau nhức, ốm bệnh, suy nhược

Chúng ta thường trốn tránh những đau khổ này thông qua những thú tiêu khiển. Bộ não chúng ta có xu hướng tự bảo vệ khỏi những khó khăn một cách rất tự nhiên là đắm mình trong một biển những hành vi có tính chất dễ dàng hơn. Những hành vi ru ngủ như vậy hướng bộ não tới một thời gian hay không gian khác, nơi tâm trí được an toàn và tách khỏi những đau khổ ấy. Có vô số biểu hiện của những thú tiêu khiển quá đà trong thời hiện đại.

  • Cắm đầu điện thoại đọc những thông tin lá cải, email rác
  • Mở các trang web như Facebook, Youtube, Reddit, Tiktok… một cách vô thức
  • Xem đi xem lại các video và ảnh cũ để nhớ lại các kỷ niệm quá khứ
  • Lên kế hoạch tương lai và mơ ước quá xa
  • Chìm vào game, sách truyện, âm nhạc, phim ảnh
  • Tìm và mua sắm những thứ không thật sự cần thiết
  • Ăn uống tiệc tùng quá mất thời gian
  • Kiểm tra email và tin nhắn quá thường xuyên
  • Hăng hái giúp đỡ người khác ngay lập tức
  • Thảo luận về các meta-problem thay vì chi tiết
  • Tâm trạng thả trôi sống bất cần

Chưa đạt đến sự tự nhận thức cấp độ 1 (cấp độ 0) thường được gọi là đang sống trên mây

Những thú tiêu khiển này thực chất không có gì sai vì chúng mang lại niềm vui và hạnh phúc. Thú tiêu khiển thường được gọi bằng cái tên tích cực như món ăn tinh thần hay liều thuốc cho tâm hồn. Rõ ràng, việc sử dụng món ăn hay liều thuốc một cách có kiểm soát là điều cần thiết. Tuy nhiên, khi tinh thần đang mệt mỏi thì bản thân nó yếu đi và dễ dàng lạc lối trong những thú tiêu khiển ấy. Sự chìm đắm trong các thú tiêu khiển là biểu hiện bên ngoài của một vấn đề nào đó bên trong.

Cạm bẫy: vòng lặp vô tận của thú tiêu khiển

Đa số chúng ta lựa chọn cách khó khăn là loại bỏ những thú tiêu khiển này khỏi cuộc sống. Tuy nhiên việc này thường không hiệu quả vì những thú tiêu khiển khác sẽ xuất hiện thay thế những cái cũ. Bản thân mình khi tìm cách thoát khỏi những thú tiêu khiển tiêu cực thì lại rơi vào những thứ khác, nghe có vẻ tao nhã và lợi ích hơn, như tập guitar, tô màu nghệ thuật, làm ảo thuật, hay đánh cờ. Tuy nhiên chúng vẫn làm sao nhãng nhiệm vụ chính nếu mình không nhận thức được những việc đó chỉ là việc phụ. Phải nhấn mạnh rằng những thú tiêu khiển chỉ nên là gia vị, không nên làm món chính, trừ khi ai đó đi theo hướng chuyên nghiệp cho những thú tiêu khiển đó.

Nếu không nhận thức việc đang bị điều khiển, chúng ta sẽ rơi vào vòng lặp vô tận của những hành vi và thói quen lãng phí thời gian. Chúng ta ngộ nhận rằng mình đang phát triển, ngộ nhận rằng những thú tiêu khiển có thể khiến chúng ta trưởng thành.

Điểm mấu chốt là chúng ta cần nhận thức về những thú tiêu khiển.

Nói cách khác, chúng ta cần chắc chắn rằng đang lựa chọn những thú tiêu khiển, thay vì để thú tiêu khiển lựa chọn chúng ta. Chúng ta phải chủ động sử dụng những thú tiêu khiển có mục đích thay vì sự bắt buộc do thói quen. Chúng ta biết khi nào thì dừng lại. Chúng ta phải có kể hoạch và chia nhỏ thú tiêu khiển thành những miếng dễ cắn để tránh sự say sưa quá mức. Ví dụ, chúng ta dễ dàng buông cái điện thoại xuống khi bộ não cần nghỉ ngơi, và chúng ta biết rõ rằng chúng ta đang làm như vậy, và có thể tiếp tục dùng điện thoại khi cần thiết. Để loại bỏ được sự cám dỗ từ những thú tiêu khiển, chúng ta cần nhận thức được những cám dỗ này. Hãy tự hỏi: Có khi nào chúng ta hành động cho dù không thực sự muốn như vậy?

Việc tự nhận thức hành vi không đơn giản do tâm trí chúng ta thường bị che mờ bởi những thói quen. Để tự nhận thức hành vi và tách mình ra khỏi những thú tiêu khiển, một cách hiệu quả và chủ động là tập Thiền hàng ngày. Một cách bị động là mở rộng các mối quan hệ tốt, kết giao với những nhóm bạn tốt, và họ có thể giúp chúng ta thoát khỏi những thú tiêu khiển tiêu cực. Cuối cùng, việc của chúng ta là không đánh mất sự nhận thức ấy trong quá trình sống.

Tự nhận thức cấp độ 1 là người trưởng thành

Khi nhận thức rõ các hành vi tốt xấu của bản thân và điều chỉnh, chúng ta sống có trách nhiệm hơn với người xung quanh. Chúng ta dễ dàng vượt qua những trở ngại trong công việc để đạt những thành công nhất định trong sự nghiệp. Đôi khi những trách nhiệm đặt lên vai có thể giúp chúng ta đạt được cấp độ 1, ví dụ như khi chúng ta có gia đình và phải chăm sóc 2 đứa con thì không còn thời gian mà say sưa.

Tuy nhiên, phải luôn nuôi dưỡng khả năng nhận thức hành vi để không sao nhãng và quay lại “cấp độ 0”. Không ít trường hợp khi cuộc sống trở nên dễ dàng thì con người sa ngã không còn kiểm soát. Một cách tự nhiên để giữ mình ở cấp độ 1 là đảm đương những trách nhiệm trong gia đình và xã hội.

Hãy là người trưởng thành.

Tham khảo