Sống với hiện tại

7 phút đọc

Một trong những nguyên nhân tạo nên những mệt mỏi trong cuộc sống là do “thế giới riêng” của ta có độ vênh so với “thế giới thực”. Con đường để ta luôn sống với thực tại là rèn luyện khả năng duy trì nhận thức thế giới trong giờ phút hiện tại, hay còn gọi là nuôi dưỡng chánh niệm.

Sống Xa rời hiện tại

Thông thường, chúng ta phản ứng lại một sự kiện bằng một hành động dựa trên kinh nghiệm quá khứcảm xúc hiện tại. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này đều dễ dàng đánh lừa và chi phối ta, đặc biệt khi ta có một quá khứ được bao bọc hoặc một tâm trạng bất ổn. Hệ quả là đứng trước một tình huống, ta dễ hiểu nhầm bản chất, dễ vẽ thêm các tình tiết, dễ suy diễn lan man và ngụy biện, dễ tự đánh lừa bản thân. Khi đó, tâm trí ta không đủ sáng suốt để nhận thức một cách chân thực những sự kiện trong hiện tại. Đó là trạng thái sống xa rời hiện tại. Sống xa rời hiện tại thường tạo ra nhiều khó khăn cho bản thân trong việc ứng xử với các tình huống hàng ngày.

Biểu hiện của việc sống xa rời thực tại là tâm trí ta thường xuất hiện những suy nghĩ bất chợt (tạp niệm) không hề tồn tại ở thời điểm quan sát. Những suy nghĩ này thường gắn với tương lai chưa xuất hiện hoặc gắn với quá khứ đã qua. Sống với tương lai ta thường mở mộng và kỳ vọng, đôi khi tưởng tượng ra bức tranh tươi đẹp cho bản thân và đeo bám vào đó. Sống với quá khứ ta thường dựa vào những thành công hay những kỷ niệm đẹp, làm cho tâm trí ta ngủ quên mà cản trở sự tinh tiến trong hiện tại.

Khi sống với quá khứ, ta buồn bã.
Khi sống với tương lai, ta lo lắng.
Khi sống với hiện tại, ta an lạc.

Hệ quả, khi sống xa rời thực tại, ta ngày càng xây dựng thế giới riêng của ta khác xa so với thế giới thực. Thế giới riêng ấy ngập tràn những ảo giác, song ta lại cho đó là thế giới thực, từ đó bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực do thế giới riêng đó tạo ra. Đây là nguồn cơ dẫn đến những khủng hoảng trong cuộc sống. Sống xa rời thực tại lâu ngày ta sẽ có cảm giác rằng cả thế giới đang chống lại ta, cuộc đời đầy rẫy bất công, không thể tìm ra ta là ai, ở đâu, tại sao.

Sống với hiện tại

Sống với hiện tại (Phật giáo gọi là chánh niệm) là sự tỉnh thức của tâm trí khi ta biết rằng ta đang nhận biết mọi hiện tượng xung quanh ta. Đây là là trạng thái nhận thức thường trực về thế giới xung quanh, không quên ý thức, biết rõ các hiện tượng phát sinh trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Ngược lại với chánh niệm là vô chánh niệmtạp niệm.

Với chánh niệm, ta luốn giữ thế giới riêng của ta sát nhất với thế giới thực, từ đó hiểu thấu mọi hiện tượng trong cuộc sống. Khi hiểu thấu, ta đồng thời rũ bỏ được nhiều cảm xúc xấu và tránh xa những khủng hoảng. Mục tiêu của sống với hiện tại là mang lại sự an lạc và một tâm trí trong sáng đối với cuộc sống.

Trong lời Phật dạy, rèn luyện chánh niệm được chia làm bốn phương pháp của sự tỉnh giác:

  • Nhận thức thân thể: biết rõ hơi thở cũng như các hành vi của thân (đi, đứng, nằm, ngồi). Ở mức độ cơ bản, người có nhận thức về thân cử chỉ sẽ ý tứ và duyên dáng. Nhận thức về thân không chỉ gói trong 5 giác quan mà còn nhiều hơn thế.
  • Nhận thức cảm xúc: biết rõ những cảm giác và cảm xúc nổi lên trong tâm. Cảm xúc có thể dễ chịu, khó chịu hoặc trung tính. Ta thường có xu hướng duy trì và tăng cường cảm xúc khi chúng xuất hiện thay vì quan sát chúng. Biết quan sát cảm xúc khiến ta bình tĩnh, tỉnh táo trong các tình huống.
  • Nhận thức tâm lý: biết các về các ý nghĩ đang hiện hành. Các ý nghĩ là tham, sân, si, rối loạn, yên tĩnh. Các suy nghĩ thường sinh ra cảm xúc và khiến ta bám vào ý nghĩ đó, dần hình thành thói quen. Nhận thức được ý nghĩ giúp ta nhận ra vị trí của bản thân và những ưu khuyết điểm, từ đó hành
  • Nhận thức hiện tượng: biết về sự phụ thuộc của mọi vật và mọi hiện tượng xảy ra, biết nguồn gốc của những hiện tượng ấy, hiểu được lẽ vô thường.

Những khả năng nhận thức này được thực hiện qua luyện tập Thiền quán.

Thiền trong mọi giây phút

Tĩnh lặng là chìa khoá để quan sát thấu đáo mọi hiện tượng của tâm và thế giới. Giống như mặt nước hồ, nếu cuộn sóng thì hòn đá to ném xuống cũng không sủi tăm, nếu tĩnh lặng thì con nhện nước cũng tạo ra quầng sóng. Tâm trí ta cũng vậy, nếu yên tĩnh sẽ trở nên trong trẻo và dễ dàng đón nhận những thông tin xung quanh, từ đó nhận thức thực tại một cách chính xác hơn.

Thiền thường được hiểu là ngồi tĩnh lặng, giữ tâm trí không dao động, loại bỏ hết những suy nghĩ và cảm xúc phát sinh. Tuy nhiên điều này không đúng. Thiền là quan sát những hiện tượng ấy mà không hề tác động hay kiềm chế chúng. Việc ta giữ tâm tĩnh lặng giúp cho việc quan sát được dễ dàng hơn chứ không phải để loại bỏ những hiện tượng đang sinh ra trong tâm. Bản chất của thiền chính là quan sát và nhận thức sự quan sát đó.

Thiền trong mọi giây phút nghĩa là ta chú tâm tối đa vào việc ta đang làm ở thời điểm hiện tại. Từ hơi thở cho đến các việc đi, đứng, nằm, ngồi đều được ta nhận thức rằng ta đang làm như vậy. Một bộ phim tạo nên cảm xúc vui vẻ ta cũng nhận thức được sự phát sinh và biến mất của cảm xúc ấy. Một món đồ trên cửa hàng khiến ta thích thú, ta cũng nhận ra chút tham lam đang nảy sinh trong tâm. Mọi giây phút trong 24 giờ một ngày đều là những giây phút ta tự nhận thức được tâm trí bên trong và thế giới bên ngoài, vậy gọi là sống trong chánh niệm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh mô tả trạng thái thiền này là “Mặt trời chánh niệm”, là ngọn đèn ý thức bật sáng khi ta đang quan sát mọi hiện tượng.

Quan sát ở đây là không có sự phát xét, đánh giá, mời mọc hay xua đuổi. Quan sát là không có sự tương tác hay phản ứng lại. Chánh niệm không phải là “phe chính” tới đàn áp “phe tà” là các tạp niệm mà đơn giản là việc quan sát sự đến và đi của các hiện tượng. Quan sát để nhận diện và phân biệt thì có, nhưng để xếp loại chính tà và đấu đá thì không.

Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại

Người ta thường khuyên nên sống chậm lại, thực chất là giúp ta quan sát tốt hơn cuộc sống xung quanh. Khi rèn luyện chánh niệm, một cách tự nhiên tâm trí ta đạt được sự an lạc đáng ngạc nhiên. Đồng thời chánh niệm giúp ta vượt qua những khủng hoảng theo cách phù hợp nhất theo đúng quy luật của vũ trụ.

Chi phần thứ bảy

Chánh niệm là chi phần thứ bảy trong Bát chánh đạo của Phật giáo. Như vậy, để khi luyện rèn chánh niệm thông qua thiền định, trước nhất phải biết là rèn luyện theo 6 chi phần trước đó. Những chi phần trước đều chưa có thiền, chỉ thuần tuý xây dựng cách sống đẹp, từ đó làm căn bản để đi vào chánh niệm. Những chi phần trước đó tự đã giải phóng ta khỏi nhiều phiền não và an tĩnh tâm trí để sẵn sàng bước vào quá trình rèn luyện tâm trí. Thực chất, rèn luyện chánh niệm khó khăn hơn rất nhiều so với 6 chi phần trước đó. Giống như Phật nói, chiến thắng ngàn quân địch không bằng chiến thắng bản thân mình.

Công phu thiền để đạt được chánh niệm mới chỉ là trình độ vỡ lòng, cũng đủ để giúp ích cho cuộc sống hàng ngày. Sau trình độ thiền Chánh niệm là Tứ thiền định với năng lực tâm thức cao thâm rất nhiều, với người không tu hành không thể đạt đến được. Vậy mới thấy công phu của tâm thức rộng lớn thế nào.