Sống hời hợt là gì

4 phút đọc

Sống hời hợt là biểu hiện của một tâm thức thiếu năng lượng và mệt mỏi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bế tắc, và cũng có nhiều hệ quả của cách sống này.

Sự hời hợt trong cuộc sống gây ra vô số hệ luỵ, khiến tâm trạng luôn chán nản, luôn đi tìm kiếm mà không biết phải tìm gì. Trong học tập và làm việc, sự hời hợt làm giảm hiệu suất, dẫn tới bỏ bê, chậm kế hoạch, thất bại.

Biểu hiện bệnh hời hợt nan y

Rất nhiều bạn trẻ xung quanh ta gặp chứng bệnh “hời hợt” này. Có thể nói đây là một tính cách cốt lõi là nguyên nhân của nhiều các tính cách khác. Bệnh hời hợt thường gây ra chứng lười biếng, nhưng hai biểu hiện này không phải là một.

Bệnh hời hợt dẫn đến nhiều những hệ quả xấu về mọi mặt của cuộc sống:

  • Về sinh hoạt: thức khuya dậy muộn tuỳ ý, ăn uống không điều độ, không chăm sóc cơ thể, không tập thể dục. Nếu có chỉ làm qua loa cho có.
  • Về học hành: cũng không đến nơi đến chốn, học gạo lấy điểm, học đối phó.
  • Về các mối quan hệ bạn bè: thường hỏi thăm qua loa chứ không thật quan tâm, có nghe chuyện nhưng không muốn giúp đỡ.
  • Về cách nhìn cuộc sống: nhanh chóng đánh giá người khác qua vẻ ngoài, dễ dàng tin những thông tin bề nổi, thường thích bình phẩm tiêu cực chê bai. Đặc biệt là dễ vô cảm với người xung quanh.
  • Về công việc: thường hỏi những câu cơ bản, làm việc không hoàn thiện, người khác phải chạy theo để sửa chữa. Trên các forum học tiếng Anh và forum công nghệ, rất nhiều câu hỏi dạng “em là người mới, nên học thế nào” hoặc kiểu “máy mình bị lỗi, xin hỏi…”. Các câu hỏi không có chút chi tiết nào, thể hiện sự hời hợt trong tư duy công việc.

Nhận biết bệnh hời hợt

  • Thiếu mục tiêu rõ ràng: Một đặc điểm dễ thấy của bệnh hời hợt là sự thiếu đi những mục tiêu rõ ràng. Người có bệnh hời hợt, trong suy nghĩ và nói chuyện thường xuất hiện những từ như “nói chung là”, “đại khái là”, “có thể là”. Do mọi thứ qua loa, bệnh hời hợt ít có suy nghĩ cụ thể, ít đào sâu suy nghĩ, có chiều rộng mà thiếu chiều sâu. Bệnh hời hợt thường chấp nhận ngay một giải pháp vừa xuất hiện trong đầu mà ít tư duy đánh giá tốt xấu.
  • Chỉ hớt những cái cần: Bệnh hời hợt khi tiếp cận kiến thức hoặc công cụ, thường chỉ lấy cái mình cần. Người học khi một vấn đề mới thông qua một cuốn sách ít khi đọc toàn bộ cuốn mà chỉ lướt qua những chương mục cần thiết. Người học theo Phật giáo thường tiếp nhận những kết quả phổ biến như đạo lý nhân ái, nhưng ít khi tìm hiểu Phật giáo như một môn triết học uyên thâm.
  • **Quan tâm đến những việc nhảm nhí: Mạng xã hội và báo lá cải chứa vô số thông tin vô ích nếu người xem không có chọn lọc. Việc sử dụng quá nhiều và thu nạp các thông tin này cũng là biểu hiện của tính hời hợt trong cuộc sống. Khi thu nạp những thông tin rác, ta sẽ sao nhãng khỏi những mục tiêu cụ thể.

Nguyên nhân

Ở đây mình thấy có hai nguyên nhân chính:

  • Một cơ thể và tâm trí mệt mỏi: khi cơ thể mệt mỏi, tâm trí mệt mỏi, bộ não tự nhiên sẽ không còn năng lượng để đi sâu vào các vấn đề. Tâm trí mệt mỏi sẽ tìm đến sự nghỉ ngơi hoặc những thú giải trí xoa dịu tinh thần. Tâm trí mệt mỏi trở thành một thói quen sẽ dẫn đến sự lười biếng, không động não, xảy ra mọi lúc mọi nơi.

  • Mất tập trung và sao nhãng: khi ở trong môi trường nhiều thông tin tạp nham, nhiều những sự quấy nhiễu, tự nhiên dẫn đến xao động tâm lý. Con người không thể tập trung để đi sâu vào các vấn đề xung quanh.

Giải pháp

Giải pháp chính vẫn là gia tăng năng lượng tinh thần và sử dụng năng lượng đó đúng mục đích.

  • Nhận thức: luôn là nhận thức, chìa khoá cốt lõi cho mọi vấn đề. Khi nhận thức được nguyên nhân, những biểu hiện của bệnh hời hợt, ta sẽ có tâm thế để loại trừ nó.
  • Động lực: xây dựng động lực mạnh mẽ hơn để tạo ra năng lượng tinh thần tốt. Để xây dựng động lực thì có nhiều giải pháp như xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tạo thói quen tốt (21 ngày), việc khó làm trước dễ làm sau, quản trị thời gian,…

Nhận thức và động lực giúp ta toàn tâm chú ý vào việc cần làm, đặc biệt là hiện tại. Với sự tập trung cao độ, không sao nhãng, bệnh hời hợt sẽ biến mất.