Chúng ta chỉ tin cái chúng ta thấy

4 phút đọc

Con người bằng tri giác có thể nhận thức thế giới và cho rằng thế giới là như thế. Tuy nhiên, thực tại rộng lớn hơn tầm quan sát của chúng ta rất nhiều. Chúng ta không có cách nào quan sát toàn bộ bức tranh thực tại.

Chúng ta chỉ tin cái chúng ta thấy
Chúng ta chỉ thấy cái chúng ta tin

Thế giới quan của con người là những trải nghiệm thông qua các giác quan, các công cụ, hoặc qua sự truyền dạy từ cộng đồng. Càng trưởng thành, chúng ta càng có niềm tin chắc chắn vào những gì mình từng trải qua, tứng nghe, từng thấy. Khi nghe một sự kiện nào đó ngoài tầm hiểu biết, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ bác bỏ nó. Thậm chí khi tận mắt trải nghiệm một sự kiện khác với niềm tin, chúng ta cũng dễ dàng bác bỏ nó. Bất kỳ điều gì đi ngược lại thế giới quan hiện tại đều dễ dàng bị phủ định.

Điều này hoàn toàn trái ngược với một em bé, khi thế giới xung quanh hoàn toàn mới lạ, em bé tin vào mọi điều thấy được hoặc được kể lại. Thế giới quan của trẻ em là một giấy trắng được viết từ đầu. Thế giới quan của một người chính là là niềm tin vào những cái thấy và càng trở nên khó mở rộng theo thời gian.

Hãy xem xét ví dụ sau:

  • John tuổi nhỏ thường đọc sách về những người thành đạt và sách phát triển bản thân. John thấy rằng cuộc sống là đấu tranh không nghỉ, kẻ mạnh mới có thể đứng đầu và làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Cậu làm việc chăm chỉ, luôn chiến thắng bản thân mình và đạt nhiều thành công.
  • Doe tuổi nhỏ thường đọc sách về tôn giáo và văn hoá. Doe thấy rằng cuộc sống không hề dễ dàng với một số người, và chỉ có chia sẻ đùm bọc mới có thể khiến thế giới tốt đẹp hơn.
  • Một ngày, cả 2 cũng lúc nhìn thấy một người ăn xin trên đường nơi họ đi qua.
    • John nghĩ: anh ta đã không cố gắng và để bản thân rơi vào tình cảnh ấy. Nếu ai cũng như anh ta thì xã hội sẽ đi xuống. Nếu mình giúp anh ta, tức là đã cổ vũ cho những người ăn xin, cổ vũ cho những người không chịu làm gì mà cũng muốn có được. Vậy mình sẽ không giúp anh ta.
    • Doe nghĩ: cuộc sống thật khó khăn với anh ta. Nếu ai cũng giúp anh ấy một tay, thì xã hội sẽ không còn những người như vậy nữa. Ai cũng sẽ có thể rơi vào hoàn cảnh như vậy và cần sự giúp đỡ. Vậy mình sẽ giúp anh ta.

Vậy đó, với niềm tin khác nhau, cách nghĩ và hành động của con người ta cũng hoàn toàn khác nhau. Ở ví dụ trên, cả John và Doe đều không nhìn thấy sự thật đằng sau cuộc đời của người ăn xin. John in rằng cuộc sống là đấu tranh, còn Doe tin rằng cuộc sống là chia sẻ.

Cả hai cách suy nghĩ ấy đều không đầy đủ.

Để có cái nhìn khách quan và đẩy đủ nhất, một người cần nhận thức được “niềm tin và thế giới quan của anh ta chỉ là ảo. Anh ta phải sẵn sàng mở lòng để thấu hiểu những thế giới quan khác và nhìn được bức tranh tổng thế. Nói cách khác, John cần đứng vào vị trí của Doe và ngược lại, để cuối cùng mỗi người nhận ra rằng: cuộc sống cần sự đấu tranh và sự chia sẻ.

Tuy nhiên, việc mở rộng thế giới quan của bản thân là việc rất khó. Niềm tin quá chắc chắn vào cái thấy của bản thân làm giảm khả năng quan sát của chúng ta trong việc nhận thức được các thế giới quan khác. Ngay cả khi nhận thức được, những cung bậc cảm xúc và sự định kiến trở thành rào cản để chúng ta chấp nhận cái mới. Ngay cả khi chấp nhận được, để có những hành động đúng đắn cũng cần rất nhiều công sức để thay đổi bản thân. Thấy - chấp nhận - thay đổi, đó là một chuỗi để mở rộng thế giới quan của cá nhân.

Là khởi nguồn của tri thức, cái thấy thường không đầy đủ, cái thấy đôi khi sai sót, thậm chí cái thấy chỉ là ảo tưởng. Cho dù cố gắng mở rộng cái thấy của bản thân, rồi chấp nhận nó, rồi thay đổi, nhưng chúng ta cũng biết chắc rằng cái thấy đó không phải là chân lý. Cái thấy đó tạo nên niềm tin và thế giới quan, cho nên niềm tin và thế giới quan của ta cũng không phải chân lý. Con người thường cho rằng mình đúng, nhưng đó chỉ là cái ảo tưởng. Nỗi khổ niềm đau của cuộc sống đều từ những ảo tưởng này mà ra.

Mặc dù biết rõ cái thấy của ta không phải chân lý, nhưng chúng ta vẫn cần mở rộng thế giới quan cá nhân. Ít nhất bằng việc thấu hiểu rộng lớn về cuộc sống, niềm tin của chúng ta sẽ ở gần với chân lý hơn. Chí ít, việc ứng xử tình huống và những quyết định chúng ta dễ dàng làm vui lòng những người xung quanh, bởi thế giới quan của chúng ta đã bao trùm rộng mở hơn. Để có được nó, ta cần thấy, chấp nhận, và thay đổi.