Chúng ta chỉ thấy cái chúng ta tin

3 phút đọc

Một cách bản năng, chúng ta chỉ thấy những gì chúng ta muốn thấy. Phần còn lại của thực tại đã bị che dấu đằng sau những tâm thức và cảm xúc thông thường. Nhận thức được cách mà tâm thức đánh lừa chúng ta sẽ giúp mở rộng thế giới quan và đón nhận thế giới một cách thật hơn.

Chúng ta chỉ tin cái chúng ta thấy
Chúng ta chỉ thấy cái chúng ta tin

Một chức năng quan trọng của bộ não là lọc các thông tin, một cách ý thức hoặc vô thức. Chúng ta bỏ qua rất nhiều các thông tin để mọi thứ hoạt động tốt và tâm trí không bị quá tải. Cơ chế tương tự hoạt động khi chúng ta học một điều mới, bộ não sẽ tự liên kết những điểm có liên quan, phân loại và lưu giữ. Từ đó, đa số hành động của chúng ta dựa trên những tiềm thức đã được xây dựng từ trước. Chức năng ấy dẫn đến một hệ quả: “Chúng ta chỉ thấy cái chúng ta muốn thấy”.

Thực tại khách quan trở nên hoàn toàn chủ quan đối với mỗi cá nhân. Đôi khi chúng ta không nhận ra được những việc vô cùng rõ ràng đang diễn ra trước mắt. Tâm trí có thể bị điều khiển để tin theo bất kỳ điều gì một cách có chủ đích và hợp lý. Từ việc tâm trí bị đánh lừa theo thời gian, chúng ta tự xây dựng một thế giới riêng khác xa với thế giới thực tại, và tiếp nhận các thông tin khách quan dựa trên thế giới riêng đó. Việc nhận thức và tiếp thu các thông tin một cách khách quan là rất khó đối với đa số chúng ta.

Từ việc thấy cái muốn thấy, chúng ta xây dựng nên niềm tin cá nhân. Một chàng trai muốn được nổi bật, anh sẽ tin rằng có những hình săm trên người là điều đúng đắn và đẹp đẽ. Từ đó, anh ra sẽ thấy và bị cuốn hút bởi những thứ tạo ra sự khác biệt như vậy. Những thứ ít mang lại sự nổi bật hầu như sẽ không xuất hiện trong quan điểm của anh ta.

Chúng ta không chỉ tin vào những điều có ích mà còn tin vào những điều có thể trả lời cho những câu khỏi khó. Chính vì vậy, niềm tin còn mang tính cộng đồng cao. Niềm tin và quan điểm của chúng ta được củng cố khi có những đồng minh có chung quan điểm. Vì vậy, chúng ta có xu hướng tìm kiếm những người ủng hộ và dễ dàng đón nhận các quan điểm đó hơn. Khi cộng đồng tạo nên niềm tin ngày càng lớn, niềm tin ấy trở thành sự thật trong mắt họ. Có rất nhiều thử nghiệm khá thú vị, ví dụ như 2 clip dưới đây:

Một điểm nữa, chúng ta còn có xu hướng tin vào những gì chúng ta chia sẻ. Khi kể ra một vấn đề, hoặc chia sẻ một thông tin trên mạng, niềm tin của chính chúng ta được củng cố. Chúng ta lập tức thích thú với ai đồng tình và khó chịu với những phản biện. Bằng tâm lý tự chọn lọc ra những người thích và loại bỏ những người phản đối, chúng ta ngày càng củng cố thêm niềm tin mà mình đã chia sẻ. Vậy nên vẫn có lời dạy rằng, muốn nhìn thấu mọi việc thì phải tĩnh lặng và loại bỏ những cảm xúc mang tính đánh giá.

Một số chúng ta, ở một cấp độ kiến thức cao hơn, hiểu rằng mọi thứ rất phức tạp và khó mà tìm được điểm chung. Chúng ta dừng lại và đặt niềm tin một cách dự đoán và ngẫu nhiên. Chúng ta không phán xét và không ủng hộ. Tuy nhiên, khi cảm xúc đặt lên bàn cân, niềm tin của chúng ta lại bị lung lay trong một số tình huống.

Vấn đề này được gọi tên là Gettier problem.