Nhân quả và ý thức

3 phút đọc

Mỗi khoảnh khắc sống, chúng ta liên tục đưa ra những quyết định và dẫn đến các hành động. Những quyết định ấy có thể là ý thức hay vô thức. Khi đưa “ý thức” vào “nhân quả”, chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về hoàn cảnh xung quanh.

Nhân vô thức và nhân ý thức

Người ta đã nói nhiều đến nhân và quả, vậy ở đây ta hãy tạm đồng ý với nhau câu “nhân nào quả nấy” là đúng. Có nhiều biện hộ nghi ngờ về thuyết nhân quả và đưa ra trường hợp người tốt gặp hạn hay kẻ xấu mà được sướng. Tuy nhiên có những việc ta không thấy, chưa chắc nó đã không tồn tại. Chúng ta xem xét hai tính chất sau:

  • Nhân quả có tính cộng tác. Việc xảy đến với một cá nhân không chỉ từ nhân của cá nhân ấy tạo ra, mà còn của gia đình, cộng đồng, quốc gia, thậm chí của chủng loài chúng ta.
  • Có những nhân mà chúng ta không nhìn thấy được sẽ tạo ra kết quả mà chúng ta không hiểu tại sao lại có.

Phân tích điểm thứ 2, chúng ta có quan hệ giữa nhân quả và ý thức như sau:

  Ý thức Vô thức
Nhân tốt Phần thưởng Phúc đức
Nhân xấu Hậu quả Gánh nợ

Nhân tốt ý thức và nhân xấu ý thức: Những hành động có chú ý tạo tác ra nhân tốt và nhân xấu, kết quả nhận được thường khá nhanh chóng và dễ dàng nhìn thấy. Khi ta giúp một ai đó và được cảm ơn. Khi ta làm tốt công việc và nhận lương. Khi ta ăn uống điều độ và ngủ đủ thì thân thể khỏe mạnh. Khi ta sạc đầy pin điện thoại thì cảm thấy an toàn một ngày. Khi ta quên mặc áo mưa thì dễ cảm lạnh. Khi ta vượt đèn đỏ thì khả năng tai nạn ngay. Khi ta bực bội mà buông lời nóng nảy thì tình cảm rạn nứt. Chúng ta có ý thức hết về những việc ấy.

Nhân tốt vô thức: Những nhân tốt diễn ra một cách vô thức liên tục sẽ tạo ra một nền tảng phúc đức. Trong những tháng ngày sau, quả tốt sẽ xuất hiện đều và dường như nằm ngoài khả năng nhận thức. Chúng ta gọi đó là “may mắn”, nhưng thực chất là quả tốt xuất phát từ nhân tốt. Do có tính cộng tác, phúc đức được truyền qua gia đình, quốc gia và cộng đồng. Nhân tốt vô thức thể hiện bằng nhân phẩm, tính cách và phong cách sống của một người. Vậy nên luôn nghĩ tốt và sống chính trực là căn bản của những “may mắn” sẽ đến.

Nhân xấu vô thức: Sẽ tạo nên những gánh nợ cho tương lai. Tại sao lại là “nợ”? Bởi vì hệ quả sẽ đến khi nó cần phải đến. Hoàn cảnh sẽ cho ta qua một lần, nhưng rồi nợ thì phải trả, và càng để lâu thì phải trả thêm càng nhiều lãi. Một vấn đề khi không được giải quyết, sau này nó sẽ xuất hiện lại với độ phức tạp cao hơn (do đã liên kết với nhiều thứ khác theo thời gian - problem debt). Khi chọn một giải pháp kỹ thuật kém hơn nhưng nhanh và rẻ, tương lai sẽ tốn thời gian sửa chữa (technical dept). Khi học tiếng Anh sai phương pháp, về sau sửa lại rất mệt (study dept). Khi để những vết bẩn lâu ngày không lau chùi, về sau lau rất khó (cleaning dept?). Vậy nên ta cần biết rõ hệ quả của sự việc để không phải vay nợ hoàn cảnh, sau này trả lại rất mệt.

Hành động có ý thức

Chung quy lại, ý thức rất quan trọng. Càng ý thức được về mọi thứ, chúng ta càng tránh được những hệ quả vô thức, từ đó càng làm chủ cuộc sống của mình tốt hơn. Chúng ta không dựa vào may mắn, cũng không lo lắng về những khoản nợ treo lửng lơ. Với việc ý thức và làm chủ hoàn cảnh, chúng ta tạo ra những giá trị chủ động và chắc chắn cho bản thân và cộng đồng. Ý thức từ đó mà vững vàng và an lạc, hoàn cảnh từ đó mà thuận lợi trong mọi việc.