Thái độ với cuộc sống

6 phút đọc

Epictetus, một triết học gia Hy Lạp cổ theo chủ nghĩa khắc kỷ, đã viết: “Một người lo lắng không phải vì sự việc mà vì quan điểm của anh ta về sự việc đó.”

Cảm xúc đến từ đâu?

Lý thuyết ABC chỉ ra cảm xúc là kết quả của cả yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong.

Sự kiện kích hoạt (A) + Niềm tin (B) –> kết quả cảm xúc (C)
Activating Event A + Belief B ——> Emotional Consequence C

Thông thường, chu trình ABC hình thành cảm xúc diễn ra một cách hoàn toàn tự động. Chúng ta thụ động tiếp nhận các thông tin bên ngoài, sau đó niềm tin lập tức diễn giải nó, và cảm xúc sẽ bộc phát ra theo cách chúng ta không điều khiển được. Lấy ví dụ đơn giản như khi đi bộ trên đường và có một người ngáng qua trước mặt bạn. Một cách dễ dàng bạn sẽ thấy khó chịu ngay và nghĩ: “Lão này cố tình chèn đường mình đây, lão này định coi thường mình à, đồ thô lỗ và phản cảm, mình thật bức xúc quá đi”. Cái quy trình phản ứng nó đi ngay từ A (sự kiện) đến C (kết quả). Nhưng nhìn kỹ lại thì mỗi chúng ta đều trải qua bước B (niềm tin) để diễn giải sự việc theo một cách nào đó. Có điều chúng ta không nhận thức được B và để nó tự diễn ra.

Với một cách diễn giải khác: “ây da, ông bạn này hấp tấp quá, chắc là đang mải suy nghĩ việc gì, có lẽ ông này cũng không nhìn thấy mình, mà mình cũng chẳng việc gì mang theo cục tức này cả ngày, bỏ qua thôi.”. Khi chúng ta có thể lựa chọn cách diễn giải sự việc, các kết quả cảm xúc sẽ theo đó mà thay đổi.

Niềm tin và giọng nói tự động

Phần lớn thời gian, niềm tin diễn giải các sự kiện một cách tự động bên trong tiềm thức. Niềm tin đó như một giọng nói bên trong liên tục đánh giá về các sự việc xảy ra. Theo một thói quen, chúng ta không hề đặt câu hỏi về những đánh giá này, thậm chí không hề nhận ra sự có mặt của nó. Giọng nói này được nội hóa bởi sự giáo dục, định kiến và những kinh nghiệm trong suốt cuộc đời.

Lý thú hơn, chúng ta luôn tin rằng giọng nói bên trong này là chính xác và đúng.

Thật tiếc giọng nói thường đưa ra các bình luật xuyên tác và thiên vị. Lý do là những việc đánh giá bình luận đó không dựa trên sự thật mà chỉ dựa trên niềm tin cá nhân. Chúng ta không có đầy đủ thông tin về sự việc đang đánh giá, chúng ta không đứng vào vị trí của người khác, hay do quan điểm cá nhân làm nổi trội những thông tin chúng ta muốn thấy và làm mờ đi thông tin chúng ta không thích (#1, #2).

Từ đó, những cảm xúc xấu (như sự buồn bã thất vọng) thường là kết quả của những kết luận tiêu cực đến từ giọng nói bên trong kia. Chúng ta có xu hướng bám chặt lấy những niềm tin tiêu cực và độc hại. Theo một cách nào đó, chúng ta thường thỏa mãn cơn đói cảm xúc bằng việc cào cấu vào những vết đau, vật lộn với những cẳng thẳng, thổi bung lên những cơn tức. Nó giống như nhà tù và xiềng xích không thể thoát ra.

Chúng ta có thực sự được lựa chọn cách chúng ta phản ứng với một sự kiện không? Hay chúng ta chỉ là nô lệ cho hoàn cảnh, nô lệ của chuỗi gen ADN đã thiết lập sẵn, nô lệ của tuổi thơ trong quá khứ, hay nô lệ của tình trạng kinh tế xã hội? Làm thế nào để thoát khỏi xiềng xích?

Hai phần của cuộc sống

Bước đầu tiên để thoát khỏi xiềng xích là phân biệt rõ hai phần sau đây của cuộc sống:

  • Phần thứ nhất: Những thứ chúng ta không thể kiểm soát được một cách toàn diện
  • Phần thứ hai: Những thứ chúng ta có thể kiểm soát

Ví dụ về phần thứ nhất: Chúng ta không kiểm soát được thời tiết, chính phủ, nền kinh tế… Chúng ta không kiểm soát được người khác, mặc dù chúng ta có thể tạo ra những ảnh hưởng đến họ. Chúng ta không kiểm soát được chính cơ thể mình: chúng ta cố gắng sống khỏe mạnh, nhưng thi thoảng ta vẫn ốm, vẫn gặp các tai nạn hàng ngày, chúng ta đều già đi và chết. Chúng ta không thể kiểm soát danh tiếng của bản thân: chúng ta cố gắng hết sức để tạo dựng và duy trì danh tiếng trên mạng, nhưng nó vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Thứ duy nhất chúng ta kiểm soát ở phần thứ hai: đó niềm tin của bản thân.

Khi ứng xử không đúng với một trong 2 khu vực trên thì hậu quả sẽ là xiềng xích, theo 2 cách:

  • Khi chúng ta cố gắng kiểm soát những thứ ở phần thứ nhất nhưng bản chất đó lại là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta tự nài nỉ rằng những thứ bên ngoài đó phải đi theo một cách nhất định giống như niềm tin của chúng ta. Nhưng đời không như mơ, hoàn cảnh đi ngược lại tâm ý sẽ tạo ra cảm xúc thất vọng, bơ vơ, giận dữ…
  • Khi chúng ta cố gắng kiểm soát những thứ ở phần thứ hai theo cách bao biện. Khi gặp việc không như ý, chúng ta sẽ lấy một lý do bên ngoài (ở phần thứ nhất) để ngụy biện cho niềm tin sai lầm (phần thứ hai). Chúng ta tự đánh lừa bản thân bằng lý do lý trấu: “tôi không còn lựa chọn nào khác, sự việc đã đến nước này…”

Trong cả 2 trường hợp, chúng ta đều cố gắng phụ thuộc và tự biến mình thành nô lệ của những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.

Thay đổi

Nhận thức ra là một phần, những biến nó thành hiện thực thì cực kỳ gian nan. Đa phần chúng ta sẽ sống với con người bình thường đầy những lo âu căng thẳng hàng ngày. Con người suy nghĩ và hành động dựa trên thói quen. Thói quen quyết định tất cả. Những ý tưởng tốt và lời dạy hay không thể thay đổi được một người, chỉ có thói quen tốt ăn sâu mới làm được điều đó (ethics).

Vậy nên rèn luyện là cách duy nhất. Chúng ta liên tục nhắc lại mong muốn của mình bằng những khẩu quyết ngắn gọn như “phải hiểu bản thân mình”, “phải điều độ trong mọi sự”, “phải đặt câu hỏi”… Và hơn hết là áp dụng tư duy phản biện ấy trong các tình huống hàng ngày.

Sự thay đổi này đến từ trạng thái tỉnh thức thường trực: “tôi biết rằng tôi đang tư duy, tôi biết rằng tôi đang biết tôi đang tư duy”.