Tây du ký vui vui mà mang hình ảnh pháp hành rực rỡ sắc màu.

Hình tượng trong Tây du ký

nhiều nguồn giải thích ý nghĩa của truyện Tây du ký. Cách giải thích phổ biết nhất thì cho rằng Ngộ Không thể hiện cho cái tâm, rồi giải thích về Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng, Bạch Mã. Tất cả các giải thích đều cho rằng 5 thầy trò biểu thị một người duy nhất đang trên đường tìm đạo. Tuy nhiên những giải thích ấy còn nhiều điểm gượng ép.

Quả thật 5 thầy trò tượng trưng cho một hành giả duy nhất đang trên đường tu đạo. Dưới đây là hình tượng tôi thấy rõ ràng và hợp lý nhất:

  • Đường Tăng: tượng trưng cho chính bản thân người tìm đạo. Người ấy có mục tiêu và niềm tin kiên định.
  • Tôn Ngộ Không: tượng trưng cho tâm Sân. Tính khí hay nổi nóng của Ngộ Không có thể thấy qua việc đại náo thiên cung và những pha vung gậy đánh chết kẻ ác, thú ác và yêu quái. Tâm Sân có tính chất phá hủy và loại bỏ.
  • Trư Bát Giới: tượng trưng cho tâm Tham. Tánh khí tham ăn, mê ngủ và mê gái của lão Trư thì ai cũng thấy rõ. Tâm Tham có tính chất vơ vét, bảo vệ.
  • Sa Tăng: tượng trưng cho tâm Si. Tánh khí lầm lì và ít sáng kiến của Sa hòa thượng thể hiện điều này. Tâm si có tính chất mê tối, theo đuôi, hành động theo quán tính.
  • Bạch Mã: không rõ. :)

Như vậy, 3 đồ đệ tượng trưng cho 3 tâm bất thiện là Tham, Sân và Si. Đặt như thế rất hợp lý. Con đường lấy kinh thể hiện quá trình tu tập tìm đạo, cũng là quá trình nhận biết để làm chủ chủ những tâm bất thiện ấy. Tiếp theo hãy cùng làm rõ các tâm ấy là gì.

Cái tâm

Tôi xin trình bày ngắn gọn về quy trình hoạt động của một con người theo quan điểm Phật học.

Chúng ta tiếp nhận các thông tin từ 6 nguồn sau đây: nhìn, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và ý nghĩ (gọi là 6 sắc trần). Ta thấy ý nghĩ cũng là một kênh thông tin để tiếp nhận xử lý. Thông tin tiếp nhận vào sẽ sinh ra các loại cảm xúc (gọi là thọ). Có 3 loại cảm xúc là thích thú (thọ lạc), ghét bỏ (thọ khổ) và bình thường (thọ xả). Ba loại cảm xúc ấy lại sinh ra các tâm tương ứng như sau (gọi là tưởng):

  • Cảm xúc thích thú (lạc) sinh ra tâm Tham.
  • Cảm xúc ghét bỏ (khổ) sinh ra tâm Sân.
  • Cảm xúc bình thường (xả) sinh ta tâm Si.

Mỗi tâm ấy lại sinh ra hành động tương ứng (gọi là hành):

  • Tâm Tham khiến ta muốn giữ lại (ví dụ thấy ngon thì muốn ăn nữa)
  • Tâm Sân khiến ta muốn phá bỏ (ví dụ thấy xấu thì muốn vứt đi)
  • Tâm Si khiến chúng ta muốn tìm kiếm (ví dụ ngồi im thì khó chịu ngứa ngáy, phải làm gì đó)

Kết quả của những hành động đó được lưu giữ vào bộ nhớ trong não (gọi là thức). Và thế là chúng ta đã thu nạp và tích lũy thêm một yếu tố mới. Cái tích lũy đấy gọi là Nghiệp.

Đây là quá trình vận hành của một sự sống mà giáo lý Phật gọi là Ngũ uẩn, bao gồm: thân thể, cảm xúc, tư tưởng, hành động, tiềm thức (gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Nghiệp là chuỗi sự kiện đến với chúng ta và được lưu giữ lại nơi tiềm thức.

Vòng kìm kẹp không hồi kết

Tâm chúng ta bị chi phối bởi quá trình vận hành của ngũ uẩn như trên. Chúng ta luôn phải phản ứng lại những yếu tố từ bên ngoài hoặc phản ứng lại những ý nghĩ của chính chúng ta. Những hành động phản ứng đó là không thể kiểm soát được.

Khi tâm Tham hiện hữu, dù một cái tham bỏ được thì một cái tham khác sẽ xuất hiện. Khi tâm Sân hiện hữu, cơn giận này nguôi được thì cơn giận khác sẽ đến. Khi tâm Si hiện hữu, cái sự chán nản u tối luôn thúc ta đi tìm cái Tham và cái Sân nào đó khác, để rồi lại tiếp tục chán nản u tối. Đó là vòng kìm kẹp không có hồi kết, gọi là vòng luân hồi.

Theo giáo lý của Phật thì vòng luân hồi này còn tiếp diễn trong nhiều đời nhiều kiếp.

Mục tiêu của đạo học là giải thoát con người khỏi sự trôi lăn điên đảo trong cái vòng luân hồi kìm kẹp đó. Sự giải thoát đơn giản là khi chúng ta không còn chạy theo những yếu tố tác động đến tâm nữa. Khi không còn bị chi phối, chúng ta có quyền lựa chọn cách sống và cách chết của mình, đó là sự tự do và sự giải thoát (gọi là Liễu sinh thoát tử).

Tây du để ngộ gì đây

Quá trình ngộ đạo được thể hiện phần nào qua tên gọi của 3 đồ đệ như thế này:

Ngộ Không - Là nhận ra mọi sự đều là “Không” để diệt trừ tâm Sân. Khi chiêm nghiệm sự vận động liên tục và sự sinh diệt của vạn pháp, chúng ta thấy rằng mọi thù hận đều là nhất thời. Nếu thấy được cái bị thù ghét đã thay đổi và chấp nhận nó, chúng ta sẽ làm chủ được tâm Sân.

Ngộ Năng - Là nhận ra bản năng của mình để diệt trừ tâm Tham. Đói phải ăn, mệt phải nghỉ, thấy đẹp thì yêu mến, đó là lẽ thường. Khi nhận ra sự sống được xây dựng từ những bản năng sinh tồn ấy, chúng ta thấu hiểu bộ máy sinh học và bộ máy tâm lý của mình. Thấu hiểu bản năng thì làm chủ được tâm Tham.

Ngộ Tĩnh - Là tâm tĩnh lặng để mang lại sự sáng suốt diệt trừ tâm Si. Nhờ tĩnh lặng mà tâm không còn đi tìm kiếm những vọng động của Tham và Sân. Khi chiêm nghiệm trạng thái tĩnh lặng mầu nhiệm thì chúng ta làm chủ được tâm Si.

Kết luận, Tây du ký là bộ tiểu thuyết nên đọc kỹ thay vì chỉ xem phim qua loa giải trí. Khi đem so sánh với pháp học thì càng thấy thú vị.