Tóm tắt các giai đoạn hành thiền trong cuốn sách Từ chánh niệm đến giác ngộ của thiền sư Ajahn Brahm.

Giai đoạn 1: Tỉnh giác về giây phút hiện tại

Buông bỏ gánh nặng quá khứ và tương lai. Buông bỏ quá khứ có nghĩa là không nghĩ đến công việc, gia đình, những cam kết, những trách niệm, những quãng đời niên thiếu, những kỷ niệm vui buồn. Buông bỏ tương lai có nghĩa là không nghĩ đến những dự đoán, sợ hãi, kế hoạch và mong đợi.

Trong lúc hành thiền cần tránh những suy nghĩ như: Còn bao nhiêu phút nữa đây, ta còn phải ngồi bao lâu nữa.

Trở ngại: sự rong ruổi về quá khứ hay tương lai.

Cảm giác: an tịnh.

Giai đoạn hai: Tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại

Im lặng nghĩa là không bình luận. Ở giai đoạn này, chúng ta không khởi lên bất kỳ suy nghĩ gì đối với mọi việc diễn ra xung quanh. Phương pháp để tĩnh lặng là quan sát chặt chẽ mọi thứ diễn ra như âm thanh, hình ảnh, cảm giác… để tâm trí bận rộn vào việc quan sát hơn là việc đánh giá suy nghĩ.

Một phương pháp khác, thay vì quan sát các ý niệm như trên, thì quan sát khoảng lặng giữa các ý niệm. Khi nhận diện được những khoảng tĩnh lặng khi không có ý niệm nảy sinh thì đó là tỉnh giác về sự im lặng. Dần dần sự im lặng đó sẽ kéo dài.

Trở ngại: tiếng nói nội tâm.

Cảm giác: nhẹ nhõm, thanh thản, tự do.

Giai đoạn ba: Tỉnh giác im lặng về hơi thở trong giây phút hiện tại

Thay vì tỉnh giác im lặng về những gì xảy ra trong tâm, chúng ta chọn sự tỉnh giác im lặng về một đối tượng. Đối tượng đó có thể là hơi thở, lòng từ bi, hay các đề mục quán niệm của thiền định. Ở đây chúng ta chọn đối tượng là hơi thở.

Lúc này, sự an lạc sẽ gia tăng đáng kể do sự tập trung vào một đối tượng thay vì nhiều đối tượng.

Trở ngại: khuynh hướng kiểm soát hơi thở.

Cảm giác: sự nhẹ nhàng phát sinh an lạc.

Giai đoạn bốn: Hoàn toàn duy trì sự chú tâm vào hơi thở

Sự chú tâm vào hơi thở ở giai đoạn trên trở nên liên tục trong từng phút giây. Chúng ta cảm nhận được hơi thở từ khi nó bắt đầu khởi lên đến khi chấm dứt, và những khoảng ngừng giữa mỗi hơi thở, không sót một giây nào. Giai đoạn này là sự buông xả hoàn toàn mọi chuyện trong vũ trụ, không còn chút bó buộc nào ngoài cảm nghiệm về hơi thở đang diễn ra trong im lặng.

Từ gian đoạn bốn trở đi, chúng ta không cần làm bất kỳ điều gì, không cần hướng tâm, không cần chế ngự. Mọi trạng thái tiếp theo tâm sẽ tự đạt đến. Chúng ta chỉ cần đứng ngoài cuộc, buông bỏ và quan sát.

Trở ngại: sự chủ động, phần lớn là tự ngã của con người khó buông bỏ.

Cảm giác: hơi thở an bình này vô cùng tuyệt diệu. Khi hơi thở dần biến mất thì chỉ còn “vẻ đẹp” lưu lại.

Giai đoạn năm: Hoàn toàn duy trì sự chú tâm vào hơi thở tuyệt đẹp

Giai đoạn bốn là một hơi thở phập phồng bình thường thì nay chuyển sang một hơi thở tuyệt đẹp. Giai đoạn này trôi chảy tự nhiên từ giai đoạn trước, chúng ta không cần cố gắng làm gì.

Tri giác về hơi thở vào hay hơi thở ra, hơi thở ở đoạn đầu, đoạn giữa hay đoạn cuối, cần phải được buông bỏ. Tất cả cái còn lại là cảm nghiệm về hơi thở tuyệt đẹp ngay bây giờ. Tâm không còn vướng bận vào hơi thở nữa. Hơi thở lúc này sẽ biến mất.

Cảm giác: hài lòng sâu lắng, hoan hỉ khi quan sát hơi thở tuyệt đẹp.

Giai đoạn sáu: Cảm nghiệm định tướng tuyệt đẹp

Hành giả đã hoàn toàn buông xả thân thể, ý niệm và sáu căn (gồm cả nhận biết về hơi thở) đến nỗi chỉ còn lịa một biểu hiện tâm thức tuyệt đẹp, đó là định tướng.

Đối với phần lớn hành giả, cái đẹp phi vật thể này, niềm hỉ lạc tinh thần, được cảm nhận như một thứ ánh sáng tuyệt đẹp. Vài người thấy một thứ ánh sáng trắng, vài người khác thấy ngôi sao vàng, một số người lại thấy như viên ngọc trai xanh biếc… Đó là tâm thức lần đầu tiên được giải thoát khỏi thế giới của năm giác quan.

Đặc điểm của định tướng:

  • Chỉ xuất hiện sau giai đoạn thứ năm, sau khi hành giả cảm nghiệm hơi thở tuyệt đẹp một thời gian dài.
  • Chỉ xuất hiện khi hơi thở đã biến mất.
  • Chỉ xuất hiện khi năm giác quan bên ngoài đã hoàn toàn vắng mặt.
  • Chỉ biểu hiện tâm thức tĩnh lặng, khi tiếng nói nội tâm hoàn toàn im bặt.
  • Nó lạ lùng nhưng có sức hấp dẫn mãnh liệt
  • Nó là một đối tượng đơn thuần tuyệt đẹp.

Trở ngại: mức độ mãn nguyện đang còn quá nông cạn. Hành giả vẫn còn đang muốn một cái gì đó và chủ động xen vào. Để vượt qua, hành giả cần có niềm tin vào định tướng.

Cảm giác: là trạng thái xả ly và trạng thái mãn nguyện cực kỳ sâu lắng.

Giai đoạn bảy: nhập định, nhập tầng thiền (Jhāna)

Trở ngại: có hai chướng ngại thông thường ở cổng vào định là niềm hưng phấn và nỗi sợ hãi. Niềm hưng phấn làm tâm trở nên hồi hộp: “Ồ, nó đây rồi!”, cần được nén xuống nhường chỗ cho sự thụ động tuyệt đối. Nỗi sợ hãi khởi lên từ chỗ nhận ra sức mạnh và niềm hỷ lạc tuyệt đối của cảnh giới định, hoặc do nhận ra rằng khi nhập định sẽ phải bỏ lại đằng sau cái gì đó - cái đó chính là bạn! Tâm tạo tác im lặng trước khi nhập định, chỉ còn tâm nhận biết vẫn còn hoạt động. Đó là kinh nghiệm bị tước bỏ mọi quyền kiểm soát trong lúc vẫn hoàn toàn tỉnh thức. Nỗi sợ hãi đó có thể vượt qua nhờ niềm tin vào lời dạy của đức Phật và niềm tin vào nguồn hỷ lạc của cảnh giới định.

Phẩm chất của các tầng thiền:

  • Nhập định sẽ kéo dài một thời gian chừng vài giờ. Khi nhập định thì không còn lựa chọn nào khác, hành giả chỉ xuất định khi tâm đã sẵn sàng bước ra.
  • Định chỉ xảy ra khi định tướng đã được nhận thấy rõ ràng.
  • Trong bất cứ tầng thiền nào, hành giả không thể có cảm nhận về thân thể, âm thanh hay khởi lên một niệm nào. Chỉ có một tri giác đơn thuần trong sáng, cảm nhận niềm hỷ lạc nhất nguyên liên tục.

Nhập các tầng thiền không phải là một trạng thái xuất thần, mà là một trạng thái tỉnh giác cao độ.

Link tham khảo

https://thuvienhoasen.org/p31a17573/tu-chanh-niem-den-giac-ngo-cam-nang-cua-nguoi-tu-thien