Phật mô tả Tham, Sân, Si ở ba cảnh giới khổ đau như thế nào?

Bản chất của nỗi khổ niềm đau?

Phật học thấu triệt rốt ráo thuyết nhân quả, vì thế mọi hiện tượng thân tâm đều được giải thích bằng nhân và quả. Theo đó, bản chất của mọi nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống đều từ sự dính mắc. Nguyên nhân của sự dính mắc là những phản ứng của tâm đối với những yếu tố bên ngoài.

Tâm dính mắc được chia làm 3 loại: Tham, sân và si, lần lượt là sự phản ứng đối với những tác động dễ chịu, khó chịu và bình thường đến từ bên ngoài. Những phản ứng này có thể dễ dàng quan sát được, nhưng chúng rất tốn công phu để có thể loại trừ. Vì khó loại trừ, khi vướng mắc vào những tâm này, chúng ta rơi vào những cảnh giới luân hồi mà Phật mô tả.

Có 6 cảnh giới: cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục. Chúng ta xem xét 3 cõi phía sau, gọi là ba đường ác đạo.

Ba cảnh giới khổ đau

Ba cõi: súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục được coi là ba đường ác đạo bởi chúng gây ra sự khổ đau hiện hữu, dày vò không nguôi. Ba cõi này hiện sinh bởi chính 3 tâm độc tham sân si.

Cõi súc sinh hiện sinh bởi tâm Si. Cõi ngạ quỷ hiện sinh bởi tâm Tham. Cõi địa ngục hiện sinh bởi tâm Sân.

Tâm si là sự tìm kiếm trong mê muội, luôn chạy theo những bản năng của thân như ăn, ngủ. Giống như những con gà, con lợn đi kiếm ăn cả ngày, dũi dũi bờ ruộng luống khoai, không ngẩng mặt lên được. Trong tâm si mờ tối chẳng có gì ngoài việc quẩn quanh kiếm mồi như vậy, bất kể no hay đói. Đó là cảnh giới súc sinh bao trùm bởi tâm Si.

Tâm tham là sự đói khát mong cầu mà không thể đạt được. Giống như loài quỷ đói được mô tả, tướng hình xấu xí và luôn theo đuổi vật thực. Dù của cải nhiều hay của cải ít, sự đói khát khiến cho chúng luôn muốn vơ vét thêm, nhưng với chúng sẽ không bao giờ là đủ. Đó là cảnh giới ngạ quỷ bao trùm bởi tâm Tham.

Tâm sân là sự chịu đựng những điều bất mãn mà không thể vứt bỏ đi được. Giống như đường địa ngục được mô tả, kẻ bị đoạ phải chịu những hình phạt rất khủng khiếp. Những màn tra tấn lên bờ xuống ruộng lặp đi lặp lại không hồi kết. Đó là cảnh giới địa ngục bao trùm bởi tâm Sân.

Luân hồi trong thực tại hiện tiền

Theo triết lý tâm linh phương Đông, cái chết chỉ là sự tiếp nối của sự sống sang một thân và tâm mới. Sự sống vốn là một chuỗi liên tục. Vì thế, sự luân hồi sau khi chết cũng không khác gì sự luân hồi ngay tại đây, ngay lúc này. Khi tâm bị đọa vào và trôi lăn trong một cảnh giới xấu không thể thoát ra thì ta gọi đó là luân hồi. Chúng ta ngày qua ngày nuôi dưỡng tâm tham, sân, si chẳng phải là vòng xoáy luân hồi xiềng xích hay sao?

Một người mang tâm sân luôn thấy khó chịu bức bối trong mọi việc, gặp chuyện gì cũng không vừa ý, uất hận như chính mình đang bị tra tấn. Nẻo địa ngục ấy đang hiển bày.

Một người mang tâm tham lam gặp việc gì cũng muốn lợi cho mình, muốn vơ vét, muốn giành lấy, như đang đói khát lắm. Nẻo ngạ quỷ ấy đang hiển bày.

Một người mang tâm si mê thì gặp việc gì cũng không rõ ràng, chỉ biết cái nhỏ mọn trong góc vườn của mình, chẳng thể nào nghe ra đạo lý. Nẻo súc sinh ấy đang hiển bày.

Vậy nên, chẳng cần đi đâu xa, chúng ta có lẽ ai cũng đã được du hành qua từng cõi giới ác ngay tại đây rồi.

Rời xa cảnh giới ác

Lần dấu lại nhân quả chúng ta thấy lý do bị đoạ vào các cõi ác là từ sự dính mắc. Sự dính mắc sẽ được loại bỏ nếu chúng ta thực hành tâm Xả. Tâm Xả là một trong tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả, có khả năng loại bỏ mọi chướng ngại và xiềng xích giúp cho tâm trở nên trong sáng hơn. Khi tâm dần dần trở nên trong sáng, dù có muốn thì những cảnh giới ác cũng không thể hiện ra. Tâm trong sáng sẽ dẫn chúng ta đến những cõi lành tươi mát hơn, là những cõi trời trong lục đạo luân hồi.

Đó là con đường đã in dấu chân của những bậc thánh nhân.